07/01/2023 | 15:02
MỘT: Sản xuất nông lâm thủy sản phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao kỷ lục và thị trường tiêu thụ nông sản nhiều biến động do ảnh hưởng của hậu dịch Covid 19 và bất ổn kinh tế, chính trị thế giới, nhưng sản xuất NLTS vẫn phục hồi mạnh mẽ, bứt phá vươn lên. GRDP đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng với 3,86% cao nhất trong 5 năm trở lại đây; đạt mức tăng cao hơn bình quân chung cả nước và đạt cao nhất vùng Đông Nam Bộ, ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ nền kinh tế, khi đóng góp tỷ trọng 9,28 % trong GRDP toàn tỉnh.
HAI: Cơ hội lớn cho nông sản chủ lực Đồng Nai hướng tới thị trường xuất khẩu
Năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó sự kiện trái sầu riêng và chuối tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho nông sản chủ lực Đồng Nai gia tăng giá trị, hướng tới xuất khẩu.
Về sản phẩm sầu riêng, Đồng Nai có diện tích 7,3 ngàn ha với sản lượng khoảng 60 ngàn tấn/năm, quy mô đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 4 cả nước. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6, Dona có năng suất chất lượng cao. Có 7 vùng trồng với diện tích 539 ha tại các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, TP.Long Khánh và 3 cơ sở đóng gói được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính nghạch. Số lượng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu của Đồng Nai đứng thứ 3 so với 16 tỉnh thành có mã số được duyệt, (sau Đăk Lăk và Bình Phước). Dự kiến đến cuối năm 2025 tỉnh sẽ có 15 cơ sở đóng gói và 32 mã số vùng trồng với diện tích gần 2,5 ngàn ha phục vụ xuất khẩu
Về sản phẩm chuối, Đồng Nai có diện tích trên 14 ngàn ha, với sản lượng khoảng 192 ngàn tấn/năm, đứng đầu cả nước về quy mô, được trồng phần lớn ở các huyện Trảng Bom, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, chủ yếu là giống chuối già có năng suất, chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha. Hiện có 14 vùng trồng với diện tích trên 2 ngàn ha và 19 cơ sở đóng gói được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, bên cạnh đó còn 19 vùng trồng với diện tích trên 3,7 ngàn ha và 20 cơ sở đóng gói chuối đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số. Số lượng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu của Đồng Nai đứng thứ 7/34 các tỉnh thành có mã số được phê duyệt. Dự kiến đến năm 2025 tỉnh có 72 cơ sở đóng gói và 40 mã số vùng trồng với diện tích gần 7,3 ngàn ha phục vụ xuất khẩu
Như vậy, Đồng Nai đã thiết lập được 120 mã số vùng trồng và 58 cơ sở đóng gói đối với 07 loại nông sản chủ lực của tỉnh là chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh, sầu riêng với tổng diện tích 24,2 ngàn ha, xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Úc, New Zealand. Đây là những kết quả và tiền đề quan trong cho nông sản Đồng Nai vươn tầm ra thế giới.
BA: Lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thực hiện mục tiêu tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sinh thái.
Với tinh thần đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tỉnh và địa phương tổ chức 03 đợt thả cá phóng sinh vào tháng 4, tháng 11 tại khu vực hồ Trị An, sông Đồng Nai và vùng ngập mặn Long Thành- Nhơn Trạch với 950 ngàn cá thể giống các loài có giá trị kinh tế cao, loài bản địa, loài có giá trị khoa học như cá nước ngọt (chạch lấu, thát lát cườm, bống tượng, lăng nha, vồ đém,…), tôm càng xanh, tôm sú, cá nước lợ và cua biển.
Hoạt động này cũng là thông điệp mà ngành Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai muốn gửi đến các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.
BỐN: Tôn vinh và nâng tầm thương hiệu trái cây tỉnh Đồng Nai
Chương trình “Tuần lễ tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam năm 2022” đã quy tụ được 41 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn đến từ 11 huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh với sản lượng trái cây được trưng bày, giới thiệu trên 60 tấn, phục vụ hơn 50 ngàn lượt khách tham quan, mua sắm. Trong khuôn khổ Chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, sinh động, như: Hội thi trưng bày trái cây nghệ thuật, Gian hàng trái cây, nông sản tiêu biểu, Vườn cây kiểu mẫu, … và đã tổ chức lễ “Tôn vinh trái cây tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2022” cho 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có sản phẩm trái cây được Hội đồng Chung khảo bình chọn.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức hoạt động này; thông qua hoạt động tôn vinh và trao danh hiệu cho những doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu nhằm cổ vũ, lan tỏa những tấm gương, điển hình tiên tiến, sáng kiến trong lao động sản xuất nông nghiệp; giúp nâng tầm thương hiệu trái cây tỉnh Đồng Nai.
NĂM: Đồng Nai tiếp tục giữ vững vị trí trong tốp đầu cả nước về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Năm 2022 tỉnh có thêm 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu so với nghị quyết Tỉnh ủy giao (ít nhất 12 xã nông thôn mới nâng cao, 2 – 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Lũy kế đến nay tỉnh có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt trên 70% so với mục tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư, cảnh quan môi trường hướng đến xanh sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân nông thôn năm 2022 ước đạt 64,67 triệu đồng/người/năm, tăng 7,44 % so năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,04% năm 2021 xuống còn 0,035% năm 2022
Đến nay, Đồng Nai có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đứng thứ 2 cả nước, sau tỉnh Nam Định và đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
SÁU: Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng
Năm 2022 tỉnh đã tổ chức 02 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đã có thêm 57 sản phẩm được công nhận OCOP, vượt 14% so chỉ tiêu kế hoạch và là tỉnh đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP của 75 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Chương trình đã tạo sự hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương, đặc biệt là các chủ thể sản xuất, tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, phát triển nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm
BẢY: Kết cấu hạ tầng thủy lợi, nước sạch nông thôn được quan tâm đầu tư
Trong năm đã thi công hoàn thành 05 dự án thủy lợi, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng hồ chứa nước Suối Tre, hồ chứa nước Cầu Dầu, Dự án tiêu thoát lũ xã Bình Lộc; Nạo vét và gia cố kè bờ suối Quán Thủ; Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến đường đê bao Đồng Hiệp, góp phần tăng khả năng phục vụ tưới 450ha, tiêu 4.570 ha, cấp nước 12.150 m3/ngày; 10 dự án đang triển khai thi công, như: Dự án Hồ Cà Ròn, Dự án thủy lợi phục vụ tưới vùng mía Định Quán; Trạm bơm ấp 7, xã Phú Tân; Dự án chống ngập khu vực Suối Cải…Trong đó Dự án Hồ Cà Ròn, huyện Định Quán, do UBND huyện Định Quán làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tháng 12/2022, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Cà Ròn có ý nghĩa quan trọng, nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 630 ha của các xã Gia Canh – Phú Lợi – Phú Hòa, huyện Định Quán, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng hướng đến những loại cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Về nước sạch nông thôn, đã đầu tư hoàn thành 7 công trình trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, với tổng công suất thiết kế gần 2.700 m3/ngày. Bên cạnh đó 3 công trình đang được triển khai xây dựng tại huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất với tổng công suất thiết kế khoảng 104 ngàn m3/ngày. Các công trình nước sạch được quan tâm đầu tư cùng với việc mở rộng phạm vi từ cấp nước đô thị đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung từ 26,74% lên 34,81% năm 2022.
Đây là những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết của tỉnh ủy, nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi và thích ứng biến đối khí hậu giai đoạn 2020 – 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh.
TÁM: Thúc đẩy hỗ trợ kết nối tiêu thụ, chế biến nông lâm thủy sản trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới nhiều biến động
Với định hướng đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, giữ vững thị trường truyền thống mở rộng thị trường tiềm năng và hướng tới thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế và biến động thị trường do bất ổn kinh tế chính trị thế giới, ngành nông nghiệp đã phối hợp các ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm ocop của tỉnh, như:
- Hỗ trợ 7 chủ thể OCOP, hợp tác xã và nhà vườn của tỉnh tham gia Hội chợ triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP tại tỉnh Sơn La; hỗ trợ 20 chủ thể OCOP tham dự Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 22 - AgroViet tại thành phố Hà Nội;
- Tổ chức Hội nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản tháng 11/2022 với sự tham gia của 100 đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã
- Lần đầu tiên triển khai Chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại sảnh Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa với sự tham gia 11 chủ thể OCOP, sau 12 ngày triển khai chương trình đã tiêu thụ được 10.305 sản phẩm với tổng doanh thu gần 120 triệu đồng, đây là hoạt động ý nghĩa và thiết thực và tạo sự lan tỏa cao.
- Trong bối cảnh các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Đồng Nai phải đối mặt với nhiều với khó khăn, đặc biệt thiếu đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ và EU do tác động của bất ổn kinh tế, chính trị thế giới, ngành đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, như: phối hợp với Hiệp hội Gỗ và TCMN Đồng Nai tổ chức thành công 02 Hội nghị gồm: Hội nghị Liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu ngành gỗ Việt vào tháng 2/2022 và Hội nghị kết nối doanh nghiệp chế biến gỗ với vùng nguyên liệu vào tháng 6/2022. Với sự tham gia của gần 300 lượt đại biểu là đại diện Bộ NN và PTNT, các sở, ngành, địa phương và Doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ; phối hợp với Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng (FSC) trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu tại địa phương.
CHÍN: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt được những kết quả bước đầu
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 04 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 -2025 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh. Trong đó UBND tỉnh đã đề ra 10 chỉ tiêu chủ yếu và 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh xây dựng 2 - 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công cao và 2-3 vùng nông nghiệp theo hướng hữu cơ; mỗi địa phương có từ 3 - 4 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 - 10 mô hình nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; diện tích sản xuất hữu cơ chiếm khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp, GTSP nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành,…Năm 2022 ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các ngành, địa phương triển khai thực hiện:
- Phối hợp tổ chức 06 lớp lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phối hợp Hội nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Đồng Nai”; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp”.
- Triển khai thực hiện các nội dung về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo theo Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Sở với Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Huế, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng
Đặc biệt, lần đầu tiên ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp tổ chức Sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai – Techfest DongNai”, nhằm kết nối, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao, sự kiện đã đề ra các định hướng và giải pháp về thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Cùng với nhiều chính sách, chương trình, đề án đang được ngành ưu tiên lồng ghép nguồn lực thực hiện, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu như: phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, xây dựng được 03 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đối với sản phẩm lúa và heo tại huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc với quy mô là 1,45 ha lúa, 20 con heo nái; có 2.053 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng 386 ha so năm 2021, trong đó 07 ha đạt chứng nhận hữu cơ, đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng và 23,72 ngàn vật nuôi; ứng dụng lợi khuẩn (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ cho khoảng 703,5 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 463,5 ha so năm 2021, tiêu biểu là huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Định Quán,...trên địa bàn tỉnh có 333 ha nuôi tôm thâm canh, trong đó có 77 hộ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (CPF Combine) với diện tích 171 ha, tăng 15 ha so năm 2021, mô hình cho doanh thu khoảng 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Đây là những tiền đề, kết quả quan trọng để thực hiện mục tiêu đột phá theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025
MƯỜI: Huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ
Hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch trồng 20 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn lực dự kiến là 607 tỷ đồng, trong đó khoảng 70% nguồn vốn xã hội hóa.
Trong khuôn khổ buổi Lễ “trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và trồng rừng hưởng ứng lời kêu gọi trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng” được tổ chức vào tháng 5/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký 04 bản giao ước với các doanh nghiệp về hỗ trợ nguồn lực thực hiện chương trình trồng cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn. Điều đó cho thấy nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong vấn đề phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội, công tác bảo vệ môi trường là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững.
Năm 2022 có khoảng 109 tỷ đồng thực hiện (trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 66%), đã trồng được trên 5 triệu cây xanh các loại, vượt 12% chỉ tiêu kế hoạch giao. Kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đã trồng được gần 6,8 triệu cây xanh các loại, đạt 34% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm; góp phần ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh, che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.
13/11/2024 | 10:50
Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành, thuộc tỉnh Đồng Nai, từ lâu đã được ví như “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ. Với diện tích gần 8 ngàn hécta, trong đó 4,9 ngàn hécta có rừng, không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, mà còn là một hệ sinh thái phong phú và đa dạng.
16/09/2024 | 14:48
Nhằm mở rộng dự án ‘C.P. Việt Nam -Hành trình vì một Việt Nam xanh 2021-2025’, Công ty C.P. Việt Nam sẽ trồng mới và chăm sóc 10 ha rừng ngập mặn trong năm 2024. Đó là thông tin được bà Lê Nhật Thùy, Phó tổng giám đốc Cấp cao C.P. Việt Nam cho biết tại lễ khởi động trồng rừng ngập mặn tại xã Phước An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) phối hợp với Sở NN-PTNT Đồng Nai và Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành tổ chức. Hoạt động này có sự tham gia của đại diện các sở ban ngành địa phương và hàng đội ngũ cán bộ công nhân viên Công ty C.P. Việt Nam.
26/08/2024 | 15:55
Ngày 23/08/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo triển khai ứng dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp của Việt Nam (Hệ thống iTwood) trong quản lý chuỗi cung gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
18/06/2024 | 09:52
Ngày 14/6/2024, tại TAVICOHOME, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) tổ chức Hội thảo tập huấn “Hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) trong đảm bảo gỗ hợp pháp và kỹ năng phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ, EU và một số nước thị trường Bắc Á”